Qua 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Cả thành phố đang chuyển mình vươn lên để xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật của tỉnh, là trung tâm kết nối của các huyện, thị xã trong tỉnh và các tỉnh khác, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội
Nằm cách thủ đô Hà Nội trên 60 km về phía Tây Bắc, thành phố Hưng Yên có nhiều tuyến giao thông quan trọng: Tuyến đường quốc lộ 38 nối Hưng Yên với các tỉnh Hà Nam, Hải Dương; Quốc lộ 39 từ Phố Nối qua thành phố sang tỉnh Thái Bình; Cầu Yên Lệnh, cầu Triều Dương nối hai bờ sông Hồng, sông Luộc; tuyến đường thủy có hệ thống sông Hồng, sông Luộc; đặc biệt cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã rút ngắn thời gian đi lại từ thành phố Hưng Yên tới thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa…. tạo thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác trong nước và quốc tế, là điểm kết nối giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam khu vực đồng bằng sông Hồng. Thành phố Hưng Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đóng vai trò là thành phố vệ tinh của thủ đô Hà Nội, thành phố Hưng Yên còn nằm trong tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội, gồm: Hưng Yên- Đồng Văn- Phủ Lý. Đây chính là yếu tố then chốt để thành phố Hưng Yên phát triển và trở thành đô thị đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, với quần thể di tích dày đặc và với việc khu di tích Phố Hiến được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, đã khơi dậy cho thành phố những tiềm năng lớn và mở ra những bước đi mới trong phát triển văn hóa du lịch. Đối với tỉnh Hưng Yên, thành phố Hưng Yên là hạt nhân trung tâm cung cấp dịch vụ, trao đổi thương mại, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo kết nối với trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh, điều này không chỉ tạo điều kiện cơ hội đầu tư, phát triển dịch vụ của thành phố, mà còn thúc đẩy cho các huyện, thị xã trong tỉnh cùng phát triển
Với bề dày lịch sử, thành phố Hưng Yên vừa mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống, vừa là đô thị năng động, hiện đại. Những năm qua, thành phố Hưng Yên đã có những bước tiến quan trọng, tạo dựng cho mình một vóc dáng đô thị đầy tiềm năng, với sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ kinh tế tăng trưởng bình quân 10 năm, từ 2009- 2029, đạt 11,8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ, du lịch, giảm dần tỷ trọng các ngành nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có những chuyển biến tích cực, phát triển vững chắc theo hướng sản xuất hàng hoá. Giá trị ngành công nghiệp- xây dựng tăng trưởng khá cao. Không gian đô thị được mở rộng, sắp xếp, bố trí theo đúng quy hoạch. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ.
Thành phố Hưng Yên đang đổi thay từng ngày
Xác định phát triển thương mại- dịch vụ gắn với khai thác tiềm năng du lịch sẽ là hướng đi lâu dài, có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của thành phố phát triển, những năm qua, thành phố đã và đang nỗ lực phát huy lợi thế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Điểm đặc biệt thuận lợi là thành phố hiện vẫn bảo tồn được 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, là một trong những địa phương có mật độ di tích lịch sử dày đặc nhất cả nước. Nổi bật trong đó là những di tích, như: Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng... Quần thể di tích lịch sử văn hóa đa dạng đã tạo cho thành phố Hưng Yên một bản sắc văn hóa sâu đậm, vừa mang tính dân tộc cộng đồng vừa mang đặc trưng riêng của địa phương; đồng thời cũng tạo cho thành phố một hệ thống các lễ hội dân gian truyền thống độc đáo, với trên 30 lễ hội được diễn ra hàng năm, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Bên cạnh đó, việc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Phố Hiến vào năm 2014, cùng với việc thành phố phục dựng và tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến hằng năm nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của vùng quê Hưng Yên văn hiến và cách mạng; đồng thời quảng bá sâu rộng với bạn bè trong nước và quốc tế về con người và giá trị văn hiến của vùng đất “tiểu Tràng An”… đã tạo ra thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại của thành phố, thu hút được hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan chiêm bái mỗi năm.
Trong 10 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, thành phố đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng thương mại dịch vụ với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Một trong số những dự án trọng điểm đã và đang phát huy được hiệu quả tiêu biểu như: Đường trong khu đô thị đại học Phố Hiến, đường chở vật liệu từ cảng sông Hồng ra quốc lộ 38B, đường dựng xã Liên Phương, đường Nhân dục, đường trục liên xã Hoàng Hanh, Hồng Nam, Tân Hưng, Hùng Cường, Phú Cường, đường Dương Hữu Miên…
Hiện nay trên địa bàn thành phố đã và đang duy trì việc phát triển hàng trăm loại hình các dịch vụ về bưu chính, viễn thông, tài chính, bảo hiểm, nhà hàng, khách sạn, hệ thống chợ với quy mô và chất lượng ngày càng được nâng cao góp phần đưa giá trị ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2019 ước đạt 6.925 tỷ đồng, tăng gần 4,5 lần so với năm 2009.
Quảng trường thành phố Hưng Yên
Song song với thương mại, dịch vụ, du lịch, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng luôn được thành phố đặc biệt chú trọng phát triển với giá trị cao, năm 2019 ước đạt 7.826 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với năm 2009. Tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải, hàng may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, thành phố cũng đã và đang tích cực triển khai trình tỉnh phê duyệt thành lập các cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó trước mắt là cụm công nghiệp Bảo Khê với diện tích 50 ha.
Từ năm 2009 đến 2019, trên địa bàn thành phố có 1.123 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, có một số dự án đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả như: Bệnh viện Hưng Hà, khu nhà ở Phúc Hưng, khách sạn Phố Hiến, trung tâm thương mại và salon ô tô Hưng Yên… ; đồng thời thành phố thu hút nhiều siêu thị kinh doanh của các tập đoàn lớn về xây dựng cơ sở kinh doanh như: Siêu thị điện máy MediaMart, siêu thị điện máy Nguyễn Kim, siêu thị Điện máy xanh… Các doanh nghiệp kinh doanh với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Một số dự án đang triển khai thực hiện đầu tư như: Siêu thị ô tô xe máy Ngọc Huệ, khu sinh thái Đông Giang, khu nhà chung cư cho người thu nhập thấp… Bên cạnh đó, thời gian qua cũng đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn như: tập đoàn Vingroup, tập đoàn FLC, tập đoàn T & T đã về khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn thành phố. Mới đây nhất, ngày 11/7/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định số 1512 phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị phía Đông sông Điện Biên do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Đây có thể coi là cơ hội để thành phố Hưng Yên tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Với thế mạnh về phát triển nông nghiệp với đất đai phì nhiêu màu mỡ, hệ thống sông, hồ bao quanh, khí hậu ôn hòa, với nhiều sản phẩm nổi tiếng như: nhãn lồng, cam, mật ong, long nhãn, hạt sen... , thành phố luôn quan tâm tập trung thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, qua đó từng bước hình thành những vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGap, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như vùng trồng nhãn tại các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng… cho doanh thu từ 400- 500 triệu đồng/ha, vùng trồng cam, bưởi tập trung ở các địa phương như: Quảng Châu, Lam Sơn, Hồng Châu… cho doanh thu từ 400- 450 triệu đồng/ha, vùng trồng chuối tập trung ở các xã Hùng Cường, Phú Cường cho doanh thu từ 250- 300 triệu đồng/ha, vùng trồng rau an toàn, cây dược liệu tại các xã Trung Nghĩa, Bảo Khê cho doanh thu từ 180 – 230 triệu đồng/ha… Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, các mô hình kinh tế tập thể, các hợp tác xã, tổ hợp tác, cũng như các mô hình kinh tế trang trại, gia trại …, năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 1.040 tỷ đồng, tăng gần 6,5 lần so với năm 2009
Những kết quả phát triển kinh tế của thành phố trên các lĩnh vực đã góp phần đưa nền kinh tế của thành phố ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện về vật chất và tinh thần. Năm 2019, thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước đạt 1.780 tỷ đồng, tăng trên 4,3 lần so với năm 2009, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 69,5 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4 lần so với năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,5% năm 2009 xuống còn 1,5% năm 2019. Nói về những thay đổi từ khi thị xã Hưng Yên được công nhận trở thành thành phố đến nay, ông Lâm Văn Dậu trú tại khu phố An Thịnh, phường Hiến Nam cho biết: “ Sau khi thị xã được công nhận trở thành thành phố, tôi thấy tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra rất nhanh. Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, mở rộng thênh thang, đặc biệt là đường Nguyễn Văn Linh với chiều rộng 54 m, rất thuận tiện cho người dân trong việc tham gia giao thông cũng như giao thương buôn bán. Bên cạnh đó, việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đã được người dân nhận thức và thực hiện một cách nề nếp. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên…”.
Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành từ thành phố đến các xã triển khai hiệu quả và được nhân dân tích cục hưởng ứng. Từ năm 2011 đến tháng 12/2018 thành phố đã huy động được tổng số trên 2,1 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó nguồn vốn huy động từ nhân dân ước đạt gần 1,1 nghìn tỷ đồng. Các xã trên địa bàn thành phố đã xây mới, cứng hóa được tổng số gần 290 km đường giao thông nông thôn, huy động được trên 1.400 hộ dân hiến gần 25 nghìn m2 đất ở, gần 30 nghìn m2 đất canh tác, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, vật tư với tổng trị giá trên 51,1 tỷ đồng. Diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố đã thực sự có nhiều khởi sắc, với kết cấu hạ tầng ngày một khang trang, đường làng, ngõ xóm luôn phong quang, sạch đẹp, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của thành phố là 17 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo là 5,4%, thì đến năm 2018 mức thu nhập đã được nâng lên trên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,97% và toàn bộ các xã không còn có hộ dân nào phải sống trong nhà dột nát. Cuối năm 2018, cả 10/10 xã của thành phố đều đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, điều đặc biệt và đáng ghi nhận chính là việc thành phố không có nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội của thành phố có nhiều tiến bộ. Các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công được thực hiện kịp thời, đầy đủ; các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo có những bước phát triển toàn diện và luôn đứng ở vị trí tốp đầu của tỉnh. Cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị giáo dục không ngừng được đầu tư, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, chất lượng giáo dục được nâng cao. Hiện trên địa bàn thành phố đã có 33 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 24 trường so với năm 2009. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cũng được thành phố triển khai tích cực. Trung bình mỗi năm thành phố tạo thêm việc làm mới cho khoảng 2.450 lao động. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo duy trì ở các năm đều ở mức trên 60%. Hệ thống y tế công và tư được đầu tư phát triển vượt bậc, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế thành phố, trạm y tế các phường, xã được đầu tư thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại, cùng với đội ngũ y, bác sỹ chuyên môn vững vàng, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo, đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hiện tỷ lệ người dân thành phố tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ước đạt 90% , tăng gần 40% so với năm 2009. Việc cung cấp, mở rộng hàng loạt các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại. Hiện thành phố có 87/89 khu phố, làng văn hóa, số gia đình đạt văn hóa trên 92%. Tỷ lệ người dân luyện tập thể dục thể thao thường xuyên hằng năm đạt trên 50%. Hệ thống lưới điện sản xuất và sinh hoạt của thành phố được cung cấp ổn định, an toàn, 100 các tuyến phố được trang bị hệ thống chiếu sáng với chiều dài gần 40 km. Hiện thành phố có 3 nhà máy cung cấp nước sạch, đưa tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt 100%, trong đó tỷ lệ dân cư nội thành được sử dụng nước máy đat 87%; khu vực ngoại thành 70%.
Hướng tới đô thị văn minh, hiện đại, thành phố luôn quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường sống cho người dân, thành phố đã triển khai sâu rộng Chương trình 10 của Thành ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn thành phố Hưng yên giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả phong trào Chiều thứ 6: Vì môi trường thành phố Hưng Yên sạch- đẹp. Toàn bộ chất thải được thu gom, vận chuyển, phân loại xử lý đạt tỷ lệ cao. Xen kẽ giữa các đô thị là hàng loạt cây xanh, công viên, hồ nước, đã tạo không gian sống chất lượng cho cư dân thành phố. Điều vô cùng độc đáo là nhiều năm nay giữa lòng thành phố có 2 đảo cò với số lượng hàng vạn con, biểu thị cho một thành phố hưng thịnh nhưng rất đỗi bình yên, là địa điểm thư giãn tinh thần của người dân thành phố và là điểm đến tham quan của nhiều du khách gần, xa.
Về cải cách hành chính được thành phố và các phường, xã thực hiện nghiêm túc và đồng bộ việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Nếu như năm 2009 thành phố mới chỉ triển khai bước đầu việc “ xây dựng chính quyền điện tử ” thì đến năm 2019, 100% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử giữa các cơ quan nhà nước và 100% thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố đều đã được công khai, tiếp nhận, luân chuyển trên hệ thống điện tử, qua đó góp phần làm giảm phiền hà, rút ngắn thời gian đi lại của tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đánh giá về những cải cách trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, bà Lê Thị Hằng, người dân khu phố Bãi Sậy, phường Minh Khai cho biết: “ Từ khi lên thành phố tôi thấy ngoài vấn đề đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thì việc đi làm các thủ tục, giấy tờ cũng hết sức đơn giản và nhanh gọn. Các cô chú trong bộ phận một cửa của thành phố cũng như các phường, xã rất nhiệt tình hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để chúng tôi có thể hoàn thiện các thủ tục trong thời gian nhanh nhất ”.
Bên cạnh đó an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định với việc duy trì có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng như thành lập các Tổ tự quản về an ninh trật tự. Thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.
Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng được thành phố và các phường, xã thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Thành phố đã và đang tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường tiểu học, trung học cơ sở… trên địa bàn. Công tác tuyên giáo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường; kỷ luật, kỷ cương không ngừng được duy trì, giữ vững; công tác dân vận của Đảng, hệ thống chính trị cũng ngày càng được tăng cường, phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Tuấn Cường- Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Sau 10 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hưng Yên đã nỗ lực phân đấu và đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững quốc phòng- an ninh. Không gian đô thị từng bước được mở rộng, sắp xếp, bố trí theo quy hoạch, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ. Hệ thống đường nội thành, đường liên xã và giao thông nông thôn lưu thông thuận lợi. Cuối năm 2018, cả 10/10 xã của thành phố đều đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đến tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận thành phố Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Đặc biệt thành phố Hưng Yên 4 năm liền được Hiệp Hội đô thị Việt Nam và Bộ Xây dựng công nhận là đô thị xanh- sạch- đẹp. 10 năm qua, thành phố đã tạo dựng cho mình một vóc dáng đô thị đầy tiềm năng, với sự phát triển đồng bộ trên mọi lĩnh vực”.
Trong 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã tạo động lực cho thành phố Hưng Yên nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quá trình xây dựng đô thị. Thành phố đã và đang phát huy nội lực, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Với phương châm tập trung, thống nhất, hiệu quả, hạ tầng giao thông đô thị của thành phố được đầu tư xây dựng, kết nối đồng bộ, tạo được môi trường cảnh quan sạch đẹp, quy hoạch phát triển theo hướng đô thị thông minh, thành phố đã mở ra cơ hội đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, mở rộng hợp tác giao lưu kinh tế với các địa phương trong và ngoài tỉnh, thu hút đông đảo du khách đến với thành phố Hưng Yên, một mảnh đất Yên Bình- Hưng Thịnh với những con người thân thiện, hiếu khách, thanh lịch và văn minh.
Ông Tạ Hồng Quảng- Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tich HĐND thành phố nhấn mạnh: “ Những kết quả mà thành phố đã đạt được trong 10 năm qua là sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thành phố và rất đáng tự hào. Tuy nhiên sự phát triển của thành phố vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Để phát huy những lợi thế, tiềm năng, khắc phục những khó khăn, thách thức, thời gian tới thành phố sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó tiếp tục duy trì nghiêm việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của cấp ủy, chính quyền các cấp để tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động, hướng tới sự phục vụ về mọi mặt đời sống, thực sự xứng đáng là công bộc của nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, đặc biệt trong việc cưới, việc tang, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường của thành phố. Cùng với đó, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng văn hóa, bao gồm các thiết chế văn hóa để phát huy những giá trị của Phố Hiến cổ cũng như các thiết chế văn hóa để thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của thành phố”.
Có thể khẳng định, việc được công nhận là đô thị loại III và trở thành thành phố thực sự như một đòn bẩy giúp cho mảnh đất vốn được coi là Tiểu Tràng An xưa vững tin trên con đường đổi mới và hội nhập. Một đô thị mới tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đang khoác lên mình một diện mạo mới và có bước chuyển mình vượt bậc, hiện đại, năng động, nhưng vẫn luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đây không chỉ là tiền đề mà còn là động lực để thành phố ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại và sớm trở thành đô thị loại II, xứng đáng với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hưng Yên.
Minh Ngân - Xuân Điệu (Đài Truyền thanh thành phố)