Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Made Clothing Việt Nam. Ảnh: Hải Âu/TTXVN
Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc; với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.
“Về vấn đề này, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét để sớm có những giải pháp và can thiệp, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là lao động nữ”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ LĐTBXH, chất lượng việc làm của lao động nữ, nhất là tại các khu công nghiệp - khu chế xuất còn chưa ổn định và thiếu bền vững, do làm ở những lĩnh vực có có trình độ chuyên môn thấp, hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao.
Điều đó dẫn đến lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,58 triệu đồng/tháng, so với nam là 5,19 triệu đồng/tháng). Thống kê cho thấy, 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày. Do đó, lao động nữ bị tác động lớn khi doanh nghiệp sa thải.
Tại buổi công bố Bản tin thị trường lao động quý II/207 mới đây, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Hiện tượng sa thải lao động nữ ngoài độ tuổi 35 đang diễn ra ở một số nơi, tập trung ở lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, dây chuyền sản xuất đòi hỏi lao động có sức khỏe và không cần nhiều kỹ năng nghề. Do đó, các doanh nghiệp tìm cách tuyển lao động trẻ để có thể làm thêm giờ, tiền lương trả thấp hơn, đóng BHXH giảm hơn và đồng nghĩa chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ thấp hơn”.
“Đây là những tác động đến thị trường lao động cần nghiên cứu và giải pháp. Trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động trong nguy cơ thất nghiệp thông qua các quỹ để đào tạo, tạo việc làm mới… Đồng thời, cơ quan chức năng thanh kiểm tra và có chế tài xử phạt với doanh nghiệp vi phạm trong việc đóng bảo hiểm xã hội, sa thải lao động trái luật; đồng thời tăng cường vai trò công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động”, ông Đào Quang Vinh cho biết thêm
Còn Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Hiện tượng phụ nữ thất nghiệp trên 35 tuổi là đáng lo ngại. Đây là vấn đề nhức nhối, qua tập hợp ý kiến kiến nghị cử tri thì thấy cử tri cho rằng việc sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên, không phải trả lương cao lại có thể tận dụng sức lao động cường độ cao là lí do các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay sa thải hàng loạt lao động ở trên độ tuổi 35. Bởi là những lao động giản đơn, chỉ cần đào tạo 2 tuần là có thẩm làm việc trong các khu công nghiệp".
Theo số liệu năm 2016, có 1,2 triệu lao động thất nghiệp trên 35 tuổi thì có đến 80% số đó là nữ, đang trong độ tuổi trụ cột của gia đình là vấn đề xã hội cần được nghiên cứu sớm có giải pháp.
"Tôi có tiếp xúc với một số phụ nữ thì được phản ánh hôm nay vẫn đi làm, chiều đã nhận được quyết định sa thải mà lí do được nêu ra không rõ ràng. Về nguyên nhân do hành lang pháp lý chưa quy định rõ vấn đề này; việc thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, chưa phát hiện các vụ việc; đặc biệt là do trình độ năng lực, hạn chế của người kí hợp đồng lao động”, Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.
Theo baohungyen.vn