Thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp, các ngành, các đơn vị và trong nhân dân thành phố Hưng Yên ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trên khắp địa bàn, trên các lĩnh vực được các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân ghi nhận, vinh danh. Trong vô vàn những tấm gương bình dị mà cao quý về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mảnh đất Phố Hiến, phải kể đến người phụ nữ Dương Thị Kim (thôn 3, xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên) làm kinh tế giỏi, năng động, nhiệt tình trong công tác Hội. Tấm gương của chị, ta có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống hàng ngày, là những con người dung dị mà việc làm thật cao quý.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Dương Thị Kim vào một buổi chiều xuân đầu tháng 3, trời có nắng và gió nhẹ, đưa đẩy mùi hương dịu nhẹ, tinh khiết rất đặc trưng của những bông hoa nhãn đầu mùa. Dù đang bận rộn, hối hả cùng chị em tiểu thương chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3/2019, song chị vẫn dành thời gian để tiếp đón chúng tôi. Đứng giữa một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước ý chí, nghị lực của hai vợ chồng chị. Như cảm nhận được cảm xúc của chúng tôi lúc này, chị Kim bộc bạch: khi mới lập gia đình, hai vợ chồng trẻ khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, đứng trước sự đeo bám của cái đói, cái nghèo, gia đình đã trăn trở rất nhiều, mong tìm hướng đi mới ổn định cuộc sống để con cái sinh ra không phải chịu cảnh vất vả như chính bản thân mình.
Sự khó khăn này đã thôi thúc chị cùng gia đình thay đổi tư duy. Nghĩ là làm, chị mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng các loại cây lương thực ngắn ngày cho thu nhập thấp như ngô, khoai sang trồng loại cây ăn quả cho thu nhập cao, ổn định như nhãn, bưởi đặc sản trên mảnh đất quê hương. Biết là chăm sóc cây trồng mới không dễ dàng như cắm mầm khoai tây, dâm ngọn khoai lang, gieo hạt đỗ, trồng cây ngô như vốn dĩ, chị và chồng dành thời gian để đến các nhà vườn đi trước để học hỏi kinh nghiệm và thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do các hội, đoàn thể tổ chức. Được được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, lại được hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay, trang trại vườn của gia đình chị đã đầu tư, mở rộng quy mô, cho thu nhập cao, ổn định. Bình quân, với diện tích khoảng 1 mẫu trồng nhãn, bưởi, gia đình chị thu 150 – 300 triệu đồng /năm.
Ngoài việc duy trì, ổn định sản xuất, chị còn mạnh dạn kinh doanh hàng hóa tại chợ Dầu để làm ăn, kiếm sống những lúc nông nhàn. Mới đầu chỉ là một gánh hàng dong với những món hàng lặt vặt không nhiều đồng lãi, sau thời gian ngắn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, thăm dò thị trường, chị đã mạnh dạn đầu tư mở một cửa hàng tạp hóa với những mặt hàng đa dạng, phục vụ chủ yếu cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân trong xã. Nhận thấy nhu cầu sử dụng chè chất lượng cao của người dân tăng lên, chị bàn với chồng đặt liên hệ với Công ty Chè Thái Nguyên, và trở thành đại lý phân phối chính thức sản phẩm chè Thái Nguyên. Trong kinh doanh, chị luôn lấy chữ tín làm đầu, chủ động tạo dựng một thương hiệu vững chắc, nên được đông đảo người dân tin mua, sử dụng hàng hóa ở cơ sở kinh doanh của chị.
Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong sản xuất, kinh doanh, chị còn là một người phụ nữ đảm đang, quán xuyến chăm lo cho gia đình, cùng người bạn đời xây dựng mái ấm vợ chồng thương yêu nhau, con cái chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận và thành đạt, con gái là bác sỹ Bệnh viện 108, con trai đang học đại học. Sự tần tảo sớm hôm, không ngại khó ngại khổ của đôi bàn tay và khối óc đầy nghị lực đã giúp chị Kim xây dựng được cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi như chúng tôi chứng kiến.
Câu chuyện đồng vợ, đồng chồng, đặc biệt là tư tưởng dám nghĩ, hành động dám làm của cá nhân chị trong xây dựng hạnh phúc gia đình khiến chúng tôi liên tưởng đến lời nói lúc sinh thời của Hồ Chủ tịch và bộc phát thành lời: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Mỉm cười, tiếp chuyện, chị Kim bảo, như lời Bác dạy “Không có việc gì khó,/ Chỉ sợ lòng không bền./ Đào núi và lấp biển,/ Quyết chí ắt làm nên”, vợ chồng anh chị và nhiều gia đình đã tâm niệm từ lâu để làm theo. Thật đúng là “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Sự quyết tâm và thành quả gặp hái được từ việc làm giàu cho mình và cho quê hương của chị Kim đã khiến nhiều người nể phục.
Do vậy, Chi bộ, Hội Phụ nữ, nơi chị đã tham gia sinh hoạt từ lâu giới thiệu và bầu chị làm Phó Bí thư Chi Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Quảng Châu với mong muốn chị là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên, nhất là những chị em học tập và noi theo trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Công việc sản xuất bận rộn, hoạt động công tác Đảng và đoàn thể nhiều nhưng chị đã chủ động bố trí thời gian phù hợp để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Và ở cương vị nào chị cũng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, được tập thể ghi nhận và biểu dương. Trên cương vị Phó Bí thư Chi Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Quảng Châu, chị tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua của tổ chức đảng, đoàn thể phát động; thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu các kỹ năng nhằm đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt thường kỳ; luôn sâu sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên để quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn một cách kịp thời.
Đặc biệt, chị đã vận động 120 nữ tiểu thương kinh doanh tại chợ Dầu thành lập Câu lạc bộ nữ tiểu thương chợ Dầu, được chị em tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Câu lạc bộ góp phần gắn kết mối quan hệ giữa các tiểu thương, tuyên truyền, vận động chị em chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, quy định của chợ trong việc kinh doanh, giữ gìn vệ sinh môi trường; không buôn bán hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; trau dồi văn hóa ứng xử với khách hàng. Từ khi thành lập đến nay, không chỉ là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm làm ăn mà Câu lạc bộ do chị thành lập còn là nơi để các hội viên chia sẻ, giúp đỡ nhau vươn lên phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Điển hình trong năm qua, Câu lạc bộ đã tổ chức chuyến đi thiện nguyện tại miền Trung ủng hộ nhân dân bị thiên tai 1 tạ gạo, 20 thùng mỳ tôm và 14 triệu đồng. Nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi, bản thân chị thăm và tặng quà cho 1 trường hợp phụ nữ khó khăn trị giá 6 triệu đồng, còn những gia đình đặc biệt khó khăn chị thường xuyên giúp đỡ.
Chia tay chị Kim và các cô, các chị trong Câu lạc bộ nữ tiểu chợ Dầu trong lời hát Quan họ Bắc Ninh mộc mạc, giản dị mà chân tình, đằm thắm “Người ơi! Người ở đừng về. Người ơi! Người ở đừng về…” - một tiết mục “cây nhà lá vườn” được các cô, các chị đang tích cực tập luyện để trình diễn nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 tới đây, khiến chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảm mà các cô, các chị đã dành cho chúng tôi suốt buổi nói chuyện. Hơn hết, tâm trạng của chúng tôi lúc đó là một sự cảm phục về ý chí, nghị lực, hành động, việc làm của chị Kim, người phụ nữ làm kinh tế giỏi, năng động, nhiệt tình trong công tác Hội.
Thiết nghĩ, tấm gương bình dị và cao quý như chị Dương Thị Kim cần phải được nhân rộng, góp phần tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào, tính tích cực trong mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, nhất là những người phụ nữ Hưng Yên chủ động khắc phục “một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình”, tiếp tục phát huy “truyền thống cần cù và anh dũng”, năng động, sáng tạo, trau dồi tri thức, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm nhiều việc tốt cho đời như lời tâm nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Nguồn Trang TTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên