CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ NGỌC LÂM .THỊ XÃ MỸ HÀO .TỈNH HƯNG YÊN
  09/03/2018     |  Lượt xem 8   

Nghề chế biến bột sắn dây tại xã Phương Chiểu

Là một xã thuần nông, tuy nhiên bằng sự cần cù, chịu khó, những năm qua, người dân xã Phương Chiểu đã tự tìm ra cho mình nhiều hướng đi khác nhau để góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Một trong những hướng đi mang lại hiệu quả tích cực cho người dân nơi đây đó chính là phát triển các ngành nghề phụ. Cùng với nghề chế biến hạt sen, long nhãn, bột sắn dây đã và đang trở thành một trong những nghề thời vụ được đánh giá là mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

          Tới thăm cở sở chế biến bột sắn dây của gia đình chị Bùi Thị Hiền, một trong những hộ có quy mô chế biến lớn ở  Đội 3, thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu. Đang trong giai đoạn chính vụ, do vậy gia đình chị Hiền luôn trong trạng thái bận rộn từ sáng sớm tới tối khuya. Mặc dù gia đình đã có 4 người làm nghề, tuy nhiên do yêu cầu công việc, gia đình chị vẫn phải thuê thêm 4 lao động tại địa phương tới làm thuê. Công việc chế biến bột sắn dây không nặng nhọc tuy nhiên đòi hỏi người làm phải luôn chân, luôn tay để đảm bảo quy trình chế biến hoạt động liên tục. Các thành viên trong gia đình chị cùng với những người làm thuê phân công công việc cụ thể, người cạo vỏ, người rửa sắn, người cho sắn vào máy say. Trao đổi với chúng tôi, Chị Hiền vui vẻ cho biết: “ Năm nay, gia đình chị bắt đầu công việc chế biến bột sắn dây từ hôm mồng 6 tết. Mỗi ngày gia đình chị chế biến khoảng tầm 5 tạ sắn củ tươi. Sắn củ được gia đình chị nhập từ các vùng lân cận, đặc biệt nhiều ở khu vực huyện Kinh Môn của Tỉnh Hải Dương. Sản phẩm bột sắn do cơ sở của gia đình chị làm ra, có chất lượng và mẫu mã đẹp, mặc dù không cần phải quảng cáo, tuy nhiên ngày nào cũng có khách tìm tới nhà chị để đặt mua. Do vậy, mặc dù thời gian làm nghề không nhiều, chỉ trong vòng khoảng 2 tháng, từ tháng giêng đến hết tháng hai, tuy nhiên, mỗi vụ, gia đình chị cũng thu về khoảng 40 triệu đồng tiền lãi”. Cũng là một trong số những gia đình duy trì nghề chế biến bột sắn dây lâu năm trên địa bàn xã, năm nay gia đình bà Lê Thị Tẩy, cùng trú tại Đội 3, thôn Phương Thượng có kế hoach chế biến khoảng trên 10 tấn sắn củ tươi, tương đương với khoảng 1,5 tấn sắn bột tinh. Bà tẩy cho biết: “ Nghề chế biến bột sắn dây mặc dù không đòi hỏi phải đầu tư nhiều vốn, tuy nhiên người làm nghề phải cần cù và khéo léo. Dụng cụ chính để phục vụ cho việc chế biến bột sắn chỉ bao gồm: Máy say, máy vò, máy sấy cùng với các loại xô, chậu dùng cho việc ngâm và lọc bột. Cũng theo Bà Tẩy, sắn củ tươi sau khi thu mua về cần phải được sơ chế và chế biến ngay thì mới giữ được hàm lượng tinh bột và bột không bị thâm đen. Khi sơ chế phải rửa và cạo sạch vỏ nhằm bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Nước để lọc bột phải là nước sạch và đặc biệt không được sử dụng chất tẩy rửa trong quá trình ngâm. Quá trình sấy phải đảm bảo mức nhiệt vừa phải, nhiệt quá cao sẽ làm bột sắn chín ngay trong quá trình sấy, nhiệt thấp quá sẽ khiến bột sắn bị vón cục, ảnh hưởng đến chất lượng bột. Thời gian sấy bột sắn khoảng 3 ngày, 3 đêm, sau đó sẽ được ướp với hoa bưởi để tạo hương”. Theo ông Vũ Văn Giản – Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu cho biết: “ Thời điểm này đang là đầu vụ của nghề chế biến bột sắn dây. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 30 hộ làm nghề chế biến bột sắn dây, thu hút khoảng 200 lao động tham gia, trong đó chủ yếu là các hộ chế biến để kinh doanh, số ít còn lại nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Trung bình mỗi cơ sở chế biến với quy mô lớn mỗi vụ có thể làm ra được khoảng từ 1- 3 tấn bột tinh. Với giá bán như hiện này giao động thừ khoảng 90 – 100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi hộ cũng có thể thu về khoảng từ 30 – 40 triệu đồng mỗi vụ, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. ”.

          Không chỉ ở Phương Chiểu, một số địa phương khác trên địa bàn thành phố như Liên Phương, Hồng Châu, Quảng Châu, Quang Trung cũng có nhiều hộ dân làm nghề chế biến bột sắn dây. Mặc dù là nghề thời vụ, tuy nhiên những năm qua nghề chế biến bột sắn dây đã mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho nhiều hộ gia đình làm nghề. Tuy nhiên, có một thực tế là việc chế biến của các hộ dân hoàn toàn tự phát và không có điểm quy hoạch tập trung, do vậy nước thải trong quá trình rửa, cạo, ngâm và lọc bột sắn, nhiều hộ dân đã không ngần ngại xả  thẳng ra các cống rãnh, kênh mương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, cũng như sinh hoạt của người dân. Để giải quyết tình trạng này, thiết nghĩ ngành chức năng cùng với chính  quyền địa phương cần sớm có giải pháp để người dân vừa duy trì phát triển được nghề đồng thời vừa đảm bảo được VSMT.

                              Xuân Điệu (Đài Truyền thanh thành phố)

 
Tin, bài đọc nhiều
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4261154