Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu cung được xây dựng tại trung tâm Phố Hiến, là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc sang buôn bán tại Phố Hiến thế kỷ 16-17. Ngoài ra nơi đây còn thờ tam thánh gồm: Thần Thái y có công cứu nhân độ thế và dạy dân trồng các dược liệu quý làm thuốc chữa bệnh. Thần Hoa Quang dạy dân bách nghề trong đó có nghề làm kẹo, bánh khảo, khúc linh, mứt tết, dệt lụa. Thần Nông dạy làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt lúa nếp, dâu tằm. Phía bên trái Đông Đô Quảng Hội còn có Đền Thiên Hậu Cung thờ bà Lâm Tức Mặc là vị thần hàng hải Trung Quốc, bà là con gái thứ 6 của Lâm Nguyện, thuộc dòng dõi Cửu Mạc, người thuộc làng Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thời trẻ bà đã tìm ra rong biển ăn thay cơm, gạo, mạch, nhòe vậy dân làng không bị chết đói. Bà mất ngày 9/9 âm lịch, sau khi hóa bà thường mặc áo đỏ bay lượn trên biển cứu giúp tàu thuyền qua lại. Bà là thần hàng hải của người Phúc Kiến nên khi họ di cư đến đâu họ đều mang theo thần tích và lập đền thờ Bà ở đó.
Đông đô Quảng Hội (ảnh tư liệu)
Đông Đô Quảng Hội được xây dựng từ năm 1590, trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay di tích gồm 2 tòa Thiêu hương và Hậu Cung, Tòa Thiên Hương có cấu trúc đơn giản, Tòa Hậu cung gồm 3 gian, kiến trúc bộ vì kiểu giá chiêng con nhị. Gian trung tâm đặt ban thờ tam thánh, cạnh đó là ban thờ Lê Đình Kiên, một vị quan dưới triều Lê được phong chức Thái Bảo, trấn thủ trấn Sơn Nam. Thiên Hậu Cung có kiến trúc hình chữ Nhị gồm 3 gian Tiền Tế và 3 gian Hậu Cung. Các mảng chạm khắc, trang trí mỹ thuật ở hạng mục này mang đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa.
Hàng năm, lễ hội tại đây được tổ chức vào các ngày 23/3 ( ngày sinh) và ngày 9/9 ( ngày hóa) âm lịch và ngày 10/10 ( ngày lễ của Tam thánh đế) âm lịch để ghi nhớ công lao của các vị Thánh./.
Nguyễn Hồng - Phương Thu (Đài Truyền thanh thành phố)