CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ NGỌC LÂM .THỊ XÃ MỸ HÀO .TỈNH HƯNG YÊN
  17/04/2018     |  Lượt xem 6   

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiềm năng thúc đẩy phát triển du lịch Phố Hiến

Nhắc đến thành phố Hưng Yên, người ta không chỉ biết đến miền quê có bề dày truyền thống văn hiến cách mạng, đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, một đô thị vừa cổ kính, vừa mới mẻ bên bờ sông Hồng, nơi đã từng được coi là một Tiểu Tràng An của đàng ngoài ở thế kỷ XVI, XVII và nổi tiếng đi vào lịch sử với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử cùng với sự biến đổi của tự nhiên, hình ảnh thương cảng Phố Hiến xưa đã lùi vào dĩ vãng, nhưng vẫn được đánh giá là một trong 3 khu phố cổ nhất Việt Nam với một hệ thống các di tích có kiến trúc nghệ thuật đa dạng, độc đáo tạo thành một khu di tích thống nhất điển hình, được xem như một tụ điểm của nghệ thuật xứ Đông. Thành phố Hưng Yên hôm nay vẫn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh); gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị, tạo nên hệ thống các lễ hội văn hoá dân gian truyền thống phong phú, mỗi lễ hội có nét độc đáo gắn với tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng riêng.

Hàng năm thành phố Hưng Yên có khoảng trên 30 di tích tổ chức lễ hội thường xuyên. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể như hệ thống đình, đền, chùa, miếu, các bia ký và các cổ vật, Hưng Yên còn lưu giữ và bảo tồn một khối lượng các di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú phản ánh những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm nét văn hóa dân gian của cuộc sống cư dân nông nghiệp trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển Phố Hiến như: lễ rước nước của đền Mẫu; hát ca trù và thi nấu cỗ chay tại lễ hội đền Đào Nương; gói bánh trưng, bánh dày tại lễ hội  đền Quốc Mẫu Âu Cơ; lễ rước kiệu, múa rồng, múa lân, lễ hội hoa đăng, trưng bày cổ vật, sinh vật cảnh, hội thi tiếng hót chim chào mào, hát sân đình, văn hóa ẩm thực, các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến và một số di tích. Các giá trị văn hóa phi vật thể tại lễ hội của mỗi di tích tạo lên những nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi địa phương trên mảnh đất Phố Hiến xưa -  thành phố Hưng Yên ngày nay.  

Rước kiệu tại Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến

Về lễ hội đền Đào Nương tổ chức từ 1 – 3/2 âm lịch tại thôn Đào Đặng xã Trung Nghĩa, được hòa mình vào các trò chơi dân gian như cờ tướng, cờ người, chọi gà; được xem nhân dân địa phương trổ tài thi nấu cỗ chay; được thưởng thức những làn điệu ca trù đặc sắc... chúng ta có dịp tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước ở Đào Đặng -Trung Nghĩa nói riêng, ở Việt Nam nói chung - Đây không chỉ là trò vui chơi giải trí đơn thuần trong dịp lễ hội mà những hoạt động này còn mang đậm sắc thái cội nguồn, nhắc nhở nhân dân địa phương nhớ đến nghề hàng xáo truyền thống; tục ăn chay ngày tết của làng Đào Đặng và tưởng nhớ đến vị sư tổ của nghề hát ca trù.

Lễ hội là dịp để quảng bá hình ảnh của quê hương đến với du khách trong và ngoài nước, cũng là dịp đoàn viên của những người con quê hương trên mọi miền của Tổ quốc về chung tay xây dựng quê nhà. Điểm lại hệ thống các lễ hội trên địa bàn thành phố Hưng Yên, chúng ta thật tự hào về kho tàng di sản văn hóa của Phố Hiến, đặc biệt là kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Về dự lễ hội ở mỗi di tích, du khách không chỉ được tham quan, chiêm bái, tế lễ mà còn được tham gia vào các hoạt động diễn ra tại lễ hội. Đây là dịp để mọi người tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng thể hiện những phong tục, tập quán của nhân dân địa phương. Những di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành điểm nhấn trong lễ hội tại mỗi di tích góp phần thu hút du khách về với lễ hội hàng năm. Chính vì vậy cùng với việc khôi phục và tôn tạo các di tích và lễ hội thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tại các di tích là việc làm cần thiết nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, kế tục và phát huy những phong tục, tập quán, những truyền thống tốt đẹp của ông cha để lại sao cho thích ghi với môi trường và điều kiện thực tế của địa phương góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời để di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của vùng đất Phố Hiến - Đây cũng chính là một tiềm năng dồi dào để thúc đẩy du lịch văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hưng Yên./.

                                                                     Hồng Thái (Đài Truyền thanh thành phố)

 
Tin, bài đọc nhiều
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 4261145